Hợp đồng nguyên tắc là gì? Những điều cần biết về hợp đồng nguyên tắc
Hợp đồng nguyên tắc là dạng hợp đồng được sử dụng phổ biến nhưng lại không được quy định trong văn bản pháp luật một cách cụ thể. Qua bài viết dưới đây, ta hãy cùng tìm hiểu hợp đồng nguyên tắc là gì nhé.
Hợp đồng nguyên tắc là gì?
Hợp đồng nguyên tắc là một thỏa thuận pháp lý giữa các bên với mục đích xác định các điều khoản, nguyên tắc và quy định cơ bản cho những giao dịch hoặc hợp đồng cụ thể sẽ được thực hiện trong tương lai. Hợp đồng nguyên tắc tuy không đi vào chi tiết cụ thể của từng giao dịch, nhưng tạo ra khung pháp lý cho các bên hợp tác và thực hiện các hợp đồng chi tiết hơn sau này.
Hợp đồng nguyên tắc thường được sử dụng trong bước đầu các bên tìm hiểu nhau về nhu cầu, khả năng và thống nhất nội dung hợp tác. Vì thế, loại hợp đồng này có thể hiểu là hợp đồng có tính cơ bản, khởi đầu cho các bên sau này ký hợp đồng cung ứng dịch vụ, mua bán hàng hoá sau này.
Hợp đồng nguyên tắc được sử dụng trong mọi lĩnh vực, có thể kể đến như thương mại, dân sự, sản xuất…, nơi mà các bên cần một cơ sở để xây dựng mối quan hệ lâu dài. Và chúng được gọi bằng những tên gọi khác nhau tùy thuộc vào thỏa thuận giữa các bên thực hiện hợp đồng, ví dụ như hợp đồng nguyên tắc đại lý, hợp đồng nguyên tắc cơ bản, thoả thuận nguyên tắc…
Đặc điểm của hợp đồng nguyên tắc
Các đặc điểm của hợp đồng nguyên tắc gồm:
- Điều khoản cơ bản: Hợp đồng nguyên tắc xác định các điều kiện và nguyên tắc chung mà các bên đồng ý tuân theo. Chúng không phát sinh, thay đổi hay chấm dứt các quyền hay nghĩa vụ, mà thay vào đó là đưa ra các tư tưởng chỉ đạo.
- Khung pháp lý: Hợp đồng nguyên tắc cung cấp một khung pháp lý cho các giao dịch cụ thể, giúp các bên dễ dàng thực hiện các thỏa thuận trong tương lai.
- Không tồn tại độc lập: Các bên không ký chỉ mỗi hợp đồng nguyên tắc để xác lập, thay đổi hay chấm dứt nghĩa vụ mà phải đi kèm các thỏa thuận khác có tính chi tiết và cụ thể hơn
- Tính linh hoạt: Hợp đồng nguyên tắc cho phép các bên điều chỉnh và bổ sung chi tiết cho các hợp đồng cụ thể mà không cần phải bắt đầu từ đầu.
Hợp đồng nguyên tắc được phân loại thư thế nào?
Hợp đồng nguyên tắc được phân thành hai loại như sau:
- Hợp đồng nguyên tắc mô tả một cách tương đối chi tiết các vấn đề cơ bản và nguyên tắc liên quan đến một giao dịch cụ thể (chẳng hạn như mua bán hàng hóa). Sau đó, các bên sẽ thiết lập thêm một phụ lục (ví dụ: đơn đặt hàng) để tạo thành hợp đồng cụ thể cho từng đơn hàng hoặc công việc.
- Hợp đồng nguyên tắc chỉ đưa ra một số vấn đề mang tính định hướng và khái quát, nhằm thể hiện ý chí của các bên tham gia giao dịch. Sau đó, các bên sẽ ký kết một hợp đồng chính thức, đầy đủ và chi tiết hơn để xác định, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ cụ thể của mình.
Khi nào nên ký hợp đồng nguyên tắc
Do chỉ sử dụng như khung ban đầu trước khi ký một bản hợp đồng chính thức đầy đủ hơn, hợp đồng nguyên tắc có tính pháp lý không bằng các hợp đồng cung ứng dịch vụ hay hợp đồng mua bán. Sau đây là hai trường hợp các bên nên ký hợp đồng nguyên tắc:
- Các bên có nhiều hợp đồng khác nhau có nội dung tương đồng: Lúc này, hợp đồng nguyên tắc có vai trò như hợp đồng khung để căn cứ vào đó tạo thành các loại hợp đồng riêng lẻ khác chi tiết theo từng loại hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định.
- Hợp tác với đối tác mới: Trong trường hợp doanh nghiệp có cơ hội làm việc với đối tác mới, hợp đồng nguyên tắc giúp xây dựng lòng tin và quy định các nguyên tắc cơ bản trước khi tiến hành các giao dịch cụ thể.
- Giao dịch chưa được hoàn thiện: Đây là khi giao dịch về việc cung cấp dịch vụ, hàng hoá chưa được hoàn thiện, các điều khoản chi tiết chưa thể được đưa ra để các bên thỏa thuận và cam kết.
- Tính linh hoạt trong quá trình hợp tác: Khi cần sự linh hoạt để điều chỉnh các điều khoản sao cho phù hợp với từng giao dịch cụ thể mà các bên không cần phải đàm phán lại từ đầu.
- Thiết lập quan hệ lâu dài: Các bên nên ký hợp đồng nguyên tắc khi có dự định hợp tác lâu dài với nhau và muốn có một khung pháp lý để định hướng cho các giao dịch tương lai.
- Quản lý rủi ro: Ký hợp đồng nguyên tắc giúp các bên có một cơ sở để quản lý và giảm thiểu rủi ro trong các giao dịch sau này.