2024-12-13

Trợ Giảng Là Gì? Những Kỹ Năng Cần Có Ở Trợ Giảng Là Gì?

By yessirgk34

Trong hệ thống giáo dục hiện đại, vai trò của trợ giảng ngày càng trở nên phổ biến và quan trọng hơn. Họ không chỉ có vai trò hỗ trợ giảng viên trong quá trình giảng dạy mà còn là cầu nối giữa học sinh và kiến thức. Nếu bạn chưa hiểu rõ vị trí trợ giảng là gì và cần có những kỹ năng gì để trở thành trợ giảng, thì hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé.

Trợ giảng là gì?

Trợ giảng, trong tiếng Anh là Teaching Assistant, là người hỗ trợ giảng viên trong quá trình giảng dạy, có vai trò quan trọng trong môi trường học tập như trường học, cơ sở giáo dục hay trong tâm đào tạo. Trợ giảng có thể là sinh viên, nghiên cứu sinh hay giáo viên đã có kinh nghiệm. Đây có thể được xem là vị trí trợ lý của các giảng viên chính đứng lớp.

Công việc của trợ giảng gồm những gì?

Tuỳ vào lĩnh vực giảng dạy và giảng viên phụ trách, các trợ giảng có những nhiệm vụ cần làm khác nhau. Nhìn chung, công việc của trợ giảng gồm:

  • Hỗ trợ hoạt động giảng dạy: Trong quá trình giảng dạy, trợ giảng có thể giúp giảng viên chính đứng lớp và truyền tải kiến thức cho học sinh, sinh viên. Khi có hoạt động nhóm, thực hành trong lớp, trợ giảng cũng là người hỗ trợ học sinh giải đáp các thắc mắc và hỗ trợ nếu các em cần.
  • Theo dõi tiến độ của học sinh: Trợ giảng hỗ trợ giảng viên theo dõi tình trạng và tiến độ học tập của học sinh, từ đó có những phản hồi cho giảng viên và đưa ra những biện pháp kịp thời nếu cần thiết.
  • Chuẩn bị giáo trình, tài liệu cho giảng viên: Trợ giảng hỗ trợ giảng viên chuẩn bị sao cho đầy đủ, tài liệu cần thiết và slide bài giảng trước khi buổi học diễn ra. Điều này giúp buổi học của sinh viên đảm bảo chất lượng và thú vị hơn, còn giảng viên thì đạt được mục tiêu giảng dạy.
  • Chuẩn bị hoạt động trên lớp và ngoại khóa: Việc tổ chức các hoạt động trên lớp như tổ chức trò chơi, thi đua hay hoạt động ngoại khoá sẽ tốn nhiều thời gian và công sức. Vì thế, các giảng viên thường sẽ cần sự trợ giúp từ trợ giảng, Trợ giảng sẽ lên ý tưởng, kế hoạch và chuẩn bị các công tác cần thiết.
  • Kiểm tra và chấm bài cho học sinh: Trợ giảng thưởng có nhiệm vụ hỗ trợ giảng viên tổ chức kiểm tra khi đến kỳ. Nhiệm vụ gồm thông báo lịch kiểm tra, in đề kiểm tra, canh giờ và thu bài đầy đủ. Sau đó, trợ giảng có thể hỗ trợ chấm bài theo thang điểm hay tiêu chí mà giảng viên đề ra.

Cần có những kỹ năng gì để trở thành trợ giảng?

Để có thể thực hiện tốt công việc của trợ giảng, bạn cần có những kỹ năng như:

1.   Kỹ năng giao tiếp

Trợ giảng là cầu nối giữa giảng viên với học sinh, sinh viên. Vì thế, giao tiếp là kỹ năng rất cần thiết và quan trọng với vị trí công việc này. Bên cạnh khả năng giao tiếp tuyệt vời, trợ giảng cũng cần có giọng nói rõ ràng, biết cách lắng nghe và xây dựng mối quan hệ với giảng viên, sinh viên và cả phụ huynh của các em. Kỹ năng giao tiếp cần được thực hiện tốt cả về văn bản và đối đáp trực tiếp.

2.   Tính kiên nhẫn

Công việc trợ giảng sẽ yêu cầu bạn tiếp xúc nhiều với trẻ em nên nhiều thông tin cần lặp lại nhiều lần để đảm bảo chúng được truyền đạt hiệu quả và các em có thể hiểu đúng. Ngoài ra, tính kiên nhẫn sẽ giúp giảng viên kết nối tốt hơn với phụ huynh trong trường hợp cần trao đổi tình trạng học tập của học sinh.

3.    Tính linh hoạt

Trợ giảng có vai trò khá tương đồng với vị trí trợ lý cho giảng viên nên vị trí này sẽ yêu cầu tính linh hoạt cao và xử lý tình huống nhanh. Khả năng học hỏi và ghi nhớ thông tin mới có thể giúp trợ giảng nắm rõ và thực hiện các nhiệm vụ có tính chất khác nhau. Kỹ năng multi-task cũng rất quan trọng.

4.   Thành thạo ngoại ngữ

Hiện nay, vai trò của trợ giảng trong các lớp học ngoại ngữ đang ngày càng trở nên thiết yếu, đặc biệt khi giảng viên là người nước ngoài. Trợ giảng, thường là người bản địa, sẽ đảm bảo rằng học sinh và sinh viên có thể tiếp thu đầy đủ kiến thức được truyền đạt. Để thực hiện nhiệm vụ này một cách hiệu quả, trợ giảng cần phải thành thạo ngoại ngữ, trở thành cầu nối vững chắc giữa giảng viên và học viên, giúp thông suốt quá trình học tập và giao tiếp.

5.   Khả năng sáng tạo

Biết cách truyền đạt ý tưởng và hướng dẫn theo cách mà trẻ em có thể lắng nghe và học hỏi là điều rất quan trọng. Một số học sinh không thể hiểu kiến thức ngay từ lần đầu mà cần có những cách truyền đạt đặc biệt để các em có thể hình dung. Lúc này, khả năng sáng tạo sẽ giúp trợ giảng có những cách giải thích sao cho hợp lý. Bên cạnh đó, sự sáng tạo cũng rất có ích với những nhiệm vụ tổ chức hoạt động trên lớp và hoạt động ngoại khoá.